Đây không phải là bài viết của tôi, nội dung của nó khiến cho chúng ta cần phải nghĩ về thực tế ngày hôm nay, mời mọi người cùng đọc:
Ở Việt Nam, dường như người ta có một cái nhìn khác hẳn về nước Nga. Nước Nga không còn là Liên bang Xô Viết nữa, và cũng không còn cái nhìn thân thiện với người Việt Nam nói chung và sinh viên Việt Nam nói riêng. Cũng vì hai lý do chính này mà sinh viên VN phải chịu nhiều thiệt thòi.
Cũng là một sinh viên Việt Nam may mắn được chọn sang Nga (về sau tôi có tự hỏi lại hai chữ may mắn này), tôi mang hành lý và nhiều kì vọng sang một thành phố nhỏ ở Nga, nơi có trường đại học mà tôi sắp theo học.
Sinh viên Việt trong mắt người Nga
Cảm giác đầu tiên là người Nga không mấy thân thiện, người thì nhìn mình rồi cười cười, người thì tỏ vẻ không quan tâm. Khác hẳn với suy nghĩ của tôi hồi còn ở VN về những người Nga thân thiện . Tôi cảm nhận được họ không thích người châu Á và đặc biệt là người VN. Vào cửa hàng mua đồ, đứng cạnh một cụ già, cụ già vội vã lấy chiếc ví trong túi xách ra, và nắm thật chặt, ở kí túc xá, mỗi khi người ta mất cái gì là nghĩ ngay đến người VN, việc này xảy ra nhiều lần và động chạm mạnh mẽ tới lòng tự hào dân tộc của tôi. Tôi không hiểu được, và cảm thấy mình bị xúc phạm.
Nhưng đó không phải là những điều đáng sợ nhất mà tôi phải chịu đựng. Đáng sợ hơn là những vụ hành hung người Việt của các nhóm thanh niên Nga hư hỏng. Hàng ngày, tôi phải thấy những người anh em của mình bị đánh đập, bị sỉ nhục, mà không làm gì được. Không bao giờ chúng tôi dám đi dạo phố vào buổi đêm, cho dù TP nhỏ như ở đây không có các tổ chức đầu trọc hành hung và giết hại dã man người Việt như ở Matxcova hay St. Petecbua. Tôi cảm thấy ngạc nhiên khi bị những đứa trẻ 14,15 tuổi ở Nga chửi bới và sỉ nhục, chúng trực lúc chúng tôi đi qua và văng những lời tục tĩu, tỏ thái độ khinh bỉ và những hành động thiếu văn hoá, cho dù chúng tôi không hề làm gì chúng. Tôi rất ngạc nhiên khi không cho một đứa bé 10 rúp, và bị ném đá vào người. Tôi không hiểu được chuyện gì đang xảy ra khi trên đường đi học về bị một nhóm thanh niên ném chai bia vào người, chỉ vì tôi là .. người Việt Nam. Cách đó 2 ngày, một người anh em sang sau tôi một năm bị nhóm thanh niên đó hành hung và phải nghỉ học 4 ngày.
Không phải tất cả người Nga đều có thái độ như vậy, quả thực những giáo viên dạy tiếng Nga, và sinh viên Nga có thái độ thân thiện hơn. Nhưng, trong mắt họ, chúng ta là ai, và chúng ta đang làm gì trên mảnh đất này?
Thật khó để trả lời câu hỏi ấy nhưng có lẽ mấy năm sống ở Nga cũng đủ để tôi cảm nhận được phần nào suy nghĩ của họ.
Thanh niên và vị thành niên quốc tịch Nga
Trong mắt họ, người Việt là những kẻ đầu trộm đuôi cướp, đến từ một khu rừng nhiệt đới nào đó ở Đông Nam Á, nơi những người Mỹ đã từng đến và đi. Dường như họ không biết một chút gì về VN. Qua sách báo và phim ảnh, họ có một cái nhìn rất sai lệch về chủ nghĩa cộng sản và cuộc chiến chống Mỹ của người dân Việt Nam. Tôi thấy đài truyền hình địa phương chiếu những phim Mỹ bình luận một cách sai lệch về VN, những trò chơi điện tử, sách báo ở VN bị coi là phản động thì ở đây bán nhan nhản. Lênin hay Stalin trong mắt tôi hồi ở VN là thần tượng, còn trong mắt họ, tôi xin không được bình luận.
Một thái độ chung của họ đối với chúng tôi là khinh bỉ và coi thường. Họ sẵn sàng sỉ nhục và hành hung chúng tôi bất cứ lúc nào. Dù chỉ là một câu chửi thề, một chai bia ném vào người hay một vụ đánh hội đồng, họ sẵn sàng dành cho chúng tôi những thứ tương tự như thế bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu.
Thực sự cho đến tận bây giờ tôi vẫn không hiểu hết tại sao họ lại ghét chúng tôi đến vậy, cho dù được biết những vụ lừa tiền, trấn lột, trộm cướp của người Việt ở Nga không phải là không có. Nhưng những cái đó không thể là tất cả nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ hình ảnh người Việt trong mắt họ...
Giảng viên Nga
Đa số họ có cái nhìn dễ chịu hơn với sinh viên VN, thậm chí có rất nhiều người người quý mến và hiều biết về con người cũng như đất nước VN. Nhưng đó không phải là tất cả. Một số không ít họ lợi dụng sinh viên VN để hợp tác hai bên cùng có lợi (theo cách nói vô cùng quen thuộc của người Việt) :họ có tiền, còn sinh viên Việt có bằng đại học mà không cần học. Một số ít trong họ rất ghét sinh viên nước ngoài, đặc biệt là sinh viên Việt Nam, họ tìm mọi cách đánh trượt và đuổi học chúng tôi. Lần đầu tiên tôi nghe được một câu chuyện mà cho đến giờ tôi vẫn không dám tin: một sinh viên Việt bị cho điểm 4 (điểm tối đa là 5) mặc dù bài làm rất xuất sắc chỉ với một lý do : anh là người Việt, một số sinh viên khác cũng bị đánh trượt với lý do tương tự. Thật không thể chấp nhận được những lý do kiểu như thế!
Triết học Nga bây giờ cho rằng chủ nghĩa Mác Lênin là sai lầm, họ theo quan điểm triết học và tâm lý học mà ở VN chúng tôi được học và gọi tên là Sự nguỵ biện của chủ nghĩa tư bản. Thật nực cười khi những gì giảng viên triết học ở Việt Nam coi là ấu trĩ, sai lầm và nguỵ biện thì lại là những gì người Nga dạy chúng tôi, và tất nhiên là có chiều ngược lại. Người Nga coi quan điểm của họ đúng dựa trên các phát kiến mới của khoa học về Big Bang và thời gian. Thực sự tôi đã cãi lý một cách tuyệt vọng với một giảng viên Nga về quan điểm "vật chất quyết định ý thức"-cái mà tôi học ở VN, và cuối cùng tôi rút ra kết luận: hãy loại bỏ những quan điểm tương tự như thế đi, nếu tôi muốn qua kì thi, và không bị người Nga đuổi về nước. Không còn cách nào khác ngoài việc chấp nhận sự thật, dù cho nó phũ phàng!
Giới giáo dục Nga, mà gần hơn là hiệu trưởng, trưởng khoa và giảng viên Nga dành cho sinh viên Việt 2 thái độ: những sinh viên học theo tiền của VN, họ cố sao không phải đuổi, chỉ tìm cách cho học lại nhiều lần, còn những sinh viên học theo chế độ học bổng của Nga, họ tìm mọi cách để đuổi, dù chỉ trót không qua một môn zatrốt, họ cũng liên hệ ngay với ĐSQ và đuổi thẳng tay không thương tiếc, bất kể sinh viên có ra sao đi chăng nữa. Cho dù chỉ cãi nhau về chuyện cho SV đi Aeroplot hay VN airline, cho tới chuyện kí hợp đồng giáo dục, họ tìm mọi cách để kiếm tiền cho nước Nga, còn sinh viên VN trong mắt họ, chỉ là thứ đồ trao đổi mà thôi.
Những cụ già ....
Những người đã từng sống và làm việc ở VN là những người thân thiện và tốt bụng hơn cả, họ giúp đỡ chúng tôi rất tận tình, dù chỉ là chỉ đường, hay giúp chúng tôi mua đồ... Họ làm tất cả những gì có thể để giúp đỡ chúng tôi, họ thường nói chuyện và muốn biết bây giờ VN ra sao, người Việt sống thế nào...
Đa số các cụ già rất tốt bụng và thân thiện, rất hay giúp đỡ chúng tôi.
Một số ít cảnh giác với chúng tôi, giấu kĩ ví tiền khi đứng cạnh chúng tôi, và luôn đề cao cảnh giác!
Cảnh sát
Cảnh sát ở Matxcova là những tên cướp ngày mặc đồng phục, nếu tôi không muốn nói quá. Trong mắt họ, sinh viên Việt, nhất là những người mới sang chưa thạo tiếng, là những miếng mồi béo bở. Nếu không có giấy tờ đầy đủ, sẽ được ngồi bắt muỗi trong đồn 3 tiếng đến 3 ngày, và phải nộp khá nhiều tiền phạt. Anh bạn tôi học ở Bomman, quên hộ chiếu ở nhà, ra khỏi KTX chừng 300 m, bị cảnh sát nhốt 3 tiếng và mất 1000 rup (khoảng 500 000 tiền Việt). Với những người đủ giấy tờ nhưng không thạo tiếng, cảnh sát Nga tập được một câu tiếng Việt rất sõi "500 phạt", nếu chúng tôi không muốn bị gây khó dễ thì đành phải chịu mất tiền.
Đỉnh cao thối nát của cảnh sát Matxcova là những ngày chống khủng bố. Chính phủ Nga trao cho họ quyền lục soát, bắt bớ và kiểm tra, khám người. Không ít sinh viên Việt được họ tống lên xe cảnh sát, lột sạch quần áo, rồi cho mặc lại và được thả tự do, nhưng toàn bộ tiền bạc, điện thoại, dây chuyền,vật dụng cá nhân trừ quần áo cho đến đồng Kô-pếc cuối cùng bị lột sạch. Họ lấy sạch những đồng xu cuối cùng, buộc sinh viên Việt phải đi bộ về nhà vì không còn tiền bắt taxi.
Còn ở TP nhỏ như chỗ chúng tôi, tôi đã từng vào đồn cảnh sát một lần vì quên thẻ sinh viên. Đó là kỉ niệm mà tôi không thể nào quên. Cảnh sát Nga bắt chúng tôi, một nhóm khoảng mười người, những người mang thẻ sinh viên được thả. Một cảnh sát Nga gợi ý tôi mua cho anh ta Votka, hoặc đưa tiền, nếu không sẽ không được trả tự do. Tôi không đồng ý và nói những người bạn sẽ mang thẻ sinh viên và hộ chiếu của tôi đến. Anh ta hỏi tôi có phải Việt Cộng không, rồi doạ nạt, và đẩy tôi vào tường, dí súng lục vào người tôi. Tôi không cảm thấy sợ vì biết anh ta không dám bắn, nhưng hành động đó làm tôi không còn chút gì thiện cảm với cảnh sát Nga. Sau đó, những người bạn mang giấy tờ tới và chúng tôi được thả tự do.
Thế đấy, trong mắt họ, chúng tôi là những khoản tiền phạt. Còn nếu một cảnh sát Nga nhìn thấy một nhóm 30 tên đầu trọc đang thoải mái dùng gậy bóng chày và dao bấm hành hung vài sinh viên Việt thì sao, chắc tôi không cần nói nữa. Anh ta sẽ coi như không có chuyện gì và bỏ đi, hay là cười khểnh rồi tiếp tục tán dóc với mấy anh bạn đồng nghiệp.
Putin và chính phủ Nga
Trong mắt họ, chúng tôi là gì? Là những bản hợp đồng giáo dục. Họ không cần biết chúng tôi sống ra sao, nghĩ gì và làm gì trên mảnh đất của họ. Vài chục sinh viên Việt Nam bị hành hung hàng ngày không có ý nghĩa gì với họ. Chỉ tới khi một loạt sinh viên nước ngoài bị giết, sợ vụ việc làm hỏng những bản hợp đồng béo bở, họ mới quay ra đi tìm thủ phạm của các vụ hành hung và giết chóc. Nhưng tôi không hiểu họ sẽ làm gì với những tội phạm vị thành niên này.
Nhưng vụ xô xát giữa người Việt và người Nga luôn được cảnh sát và giới hành pháp Nga xử lý theo hướng có lợi cho người Nga. "Nếu một nhóm thanh niên Nga đánh anh cho tới lúc anh ngất đi, chúng sẽ không làm sao hết. Còn khi chúng tôi không chịu được nữa gọi bạn bè và đấm vào mặt mấy tên Nga đó, cho dù chúng chẳng hề hấn gì, chúng tôi cũng bị cảnh sát Nga buộc phải xin lỗi và bồi thường không biết bao nhiêu tiền." - một sinh viên Ca-mơ-run đã sống ở Nga 4 năm đã nói với tôi như vậy. Không những không được ưu tiên, mà trái lại, trước pháp luật, người Việt luôn bị xử ép.
Còn ngài Putin, tôi không nghĩ trong điện Kremli tráng lệ, ngài có thể nghĩ tới số phận của chúng tôi, những người mà ngài có lẽ chẳng bao giờ biết mặt. Chúng tôi cũng chỉ là sinh viên của một nước xa xôi, nghèo nàn, lạc hậu hay những gì tương tự thế. Trong mắt Putin, tôi nghĩ tôi chỉ là một bản hợp đồng giấy trắng mực đen không hơn.
Nếu sau này tôi có con, tôi nhất định không muốn cho nó qua Nga nữa, nếu nước Nga vẫn như thế này. Tôi kì vọng vào nền giáo dục Việt Nam. Singapore, Thái Lan hay Malaisia làm được, không có lý gì Việt Nam không làm được. Hy vọng thế hệ sau chúng tôi sẽ không phải du học nữa, và nếu có cũng sẽ không phải qua Nga.
Một nước như Việt Nam, nếu giáo dục không phát triển được như Malaisia thôi, thì chỉ có thể do người Việt, không do điều kiện ngoại cảnh nào khác. Nếu 20 năm nữa cũng như vậy thì là do những người như tôi và bạn bè tôi đã không làm hết sức mình, tôi xin khẳng định như vậy.